Địa chỉ: Trụ sở chính: P.202-204, Tòa nhà Tasaco, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hải An, Hải Phòng, Việt Nam
Điện thoại: (84) 2253 979356/ 357/ 595/ 351 - Fax: (84) 2253 979494
Email: [email protected]
Xuất xứ hàng hóa là gì ?
“Xuất xứ hàng hóa” được hiểu là nước nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa, hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó.
Tài liệu pháp lý để chứng minh xuất xứ hàng hóa là “Giấy chứng nhận xuất xứ” – gọi là C/O.
Hàng hóa có thể là nguyên liệu hoặc sản phẩm đã, đang và sẽ đưa vào sử dụng trên thị trường thông qua việc sản xuất, xuất nhập khẩu ... Nguyên liệu bao gồm nguyên liệu thô, thành phần, phụ tùng, linh kiện, bộ phận rời và các hàng hoá mà có thể hợp lại để cấu thành một hàng hoá khác. Sản phẩm được hiểu là vật phẩm có giá trị thương mại, đã trải qua một hay nhiều quá trình sản xuất.
Hai quy tắc xác định xuất xứ hàng hóa
Việc xác định xuất xứ hàng hóa có 2 quy tắc – “Quy tắc xuất xứ ưu đãi” và “Quy tắc xuất xứ không ưu đãi”.
Quy tắc xuất xứ ưu đãi
Là các quy định về xuất xứ áp dụng cho hàng hóa có thoả thuận ưu đãi về thuế quan và phi thuế quan. Có hai trường hợp:
- Quy tắc xuất xứ ưu đãi theo các điều ước quốc tế : là việc xác định xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu để được hưởng chế độ ưu đãi về thuế quan và phi thuế quan được áp dụng theo các Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập, và các văn bản pháp luật có liên quan.
- Quy tắc xuất xứ ưu đãi theo chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập và các ưu đãi đơn phương khác: là việc xác định xuất xứ hàng hoá xuất khẩu (để được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập và các ưu đãi đơn phương khác) được thực hiện theo quy tắc xuất xứ của nước nhập khẩu dành cho các ưu đãi này.
Quy tắc xuất xứ không ưu đãi
Là các quy định về xuất xứ áp dụng cho các hàng hóa nằm ngoài thỏa thuận ưu đã về thuế quan, phi thuế quan, và trong các trường hợp áp dụng các biện pháp thương mại không ưu đãi về đối xử tối huệ quốc, chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ, hạn chế số lượng hay hạn ngạch thuế quan, mua sắm chính phủ và thống kê thương mại.
Khi nào thì hàng hóa được coi là có xuất xứ?
Hàng hóa được xem là có xuất xứ khi thuộc một trong hai trường hợp:
- Hàng hóa có xuất xứ thuần tuý bao gồm: Cây trồng và các sản phẩm từ cây trồng được thu hoạch tại một quốc gia nàođó; Động vật sống được sinh ra và nuôi dưỡng tại quốc gia và các sản phẩm được chế biến từ nó; …
Ví dụ, Gạo nếp, gạo thơm, quả dứa … có xuất xứ thuần túy từ Campuchia - khi nhập khẩu vào VN sẽ được hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi đặt biệt.
- Hàng hóa có xuất xứ không thuần tuý được công nhận có xuất xứ từ một quốc gia khi quốc gia đó thực hiện cộng đoạn chế biến cơ bản cuối cùng làm thay đổi cơ bản hàng hóa này.
Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa và quy trình cấp
Giấy chứng nhận (GCN) xuất xứ hàng hóa (còn gọi là C/O): là văn bản do tổ chức thuộc quốc gia xuất khẩu hàng hoá cấp dựa trên những quy định và yêu cầu liên quan về xuất xứ, chỉ rõ nguồn gốc xuất xứ của hàng hoá đó.
Cơ quan cấp GCN xuất xứ hàng hoá : Bộ Thương Mại, hoặc Bộ Thương Mại có thể ủy quyền cho Phòng Thương mại và Công nghiệp VN và các tổ chức thực hiện việc cấp C/O thực hiện. Trên thực tế, hiện nay Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) đang thực hiện việc cấp C/O cho các doanh nghiệp.
Hồ sơ xin cấp C/O xuất khẩu gồm:
- Đơn đề nghị cấp C/O được kê khai hoàn chỉnh và hợp lệ;
- Mẫu C/O đã được khai hoàn chỉnh;
- Tờ khai hải quan đã hoàn thành Thủ tục hải quan. Trường hợp hàng xuất khẩu không phải khai báo Tờ khai hải quan sẽ không phải nộp Tờ khai hải quan;
- Hoá đơn thương mại;
- Vận tải đơn hoặc Chứng từ vận tải tương đương trong trường hợp thương nhân không có vận tải đơn.
Quy trình cấp C/O xuất khẩu
- Nộp hồ sơ đề nghị cấp C/O cho Bộ Thương Mại ( Phòng Thương mại và Công nghiệp VN).
- Trong vòng 03 ngày làm việc, kể từ thời điểm nhận được bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, sẽ cấp C/O. Trường hợp cần phải kiểm tra thực tế thì 05 ngày làm việc.
- Hồ sơ cấp C/O được lưu trữ ít nhất 3 năm, kể từ ngày cấp hoặc xác nhận và được bảo mật.
- Nếu C/O bị sử dụng sai mục đích sẽ bị thu hồi.
Các trường hợp nhập khẩu hàng hóa phải nộp C/O
Hàng hóa nhập nhập khẩu vào Việt Nam về nguyên tắc cũng cần phải có C/O. Nghị định 19/2006 qui định những trường hợp sau đây phải nộp C/O khi làm thủ tục hải quan nhập khẩu
- Hàng hoá có xuất xứ từ nước hoặc nhóm nước được Việt Nam cho hưởng các ưu đãi về thuế quan và phi thuế quan, hưởng ưu đãi theo thuế suất tối huệ quốc trên cơ sở có đi có lại hoặc trên cơ sở đơn phương.
- Trường hợp không có C/O thì người nhập khẩu phải có cam kết hàng hóa có xuất xứ từ những nước đó.
- Hàng hoá thuộc diện phải tuân thủ theo các chế độ quản lý nhập khẩu.
- Hàng hoá thuộc diện do Việt Nam hoặc các tổ chức quốc tế thông báo đang ở trong thời điểm có nguy cơ gây hại đến an toàn xã hội, sức khoẻ của cộng đồng hoặc vệ sinh môi trường cần được kiểm soát.
- Hàng hoá nhập khẩu từ các nước thuộc diện Việt Nam thông báo đang ở trong thời điểm áp dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ giá, các biện pháp tự vệ, biện pháp hạn ngạch thuế quan, biện pháp hạn chế số lượng.
Thủ tục xác định và kiểm tra xuất xứ hàng hoá nhập khẩu
- Sau khi nộp hồ sơ đăng ký Tờ khai Hải quan, hàng hóa nhập khẩu sẽ được cơ quan Hải quan tiến hành xem xét xác định xuất xứ.
- Trong trường hợp có nghi ngờ tính xác thực của chứng từ hoặc thông tin liên quan đến xuất xứ của hàng hoá, thì cơ quan Hải quan Giấy chứng nhận xuất xứ có thể bị kiểm tra.
- Trong khi chờ kết quả kiểm tra, hàng hóa không được hưởng ưu đãi thuế quan nhưng vẫn được phép thông quan theo các thủ tục hải quan thông thường.
- Việc kiểm tra được hoàn thành trong không quá 150 ngày, kể từ thời điểm người nhập khẩu nộp bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ.